Nỗi Lòng Của Con

Hôm nay Sinh nhật Ba, thọ 89 tuổi. Lẽ ra con cháu tụ tập mừng thọ Ba, Ông. Có hoa có bánh, có bảy anh em trai gái, có bảy dâu rể, 11 cháu nội ngoại, 3 chắt đang ở đất nước Hoa kỳ này về mừng thọ Ba, Ông, Cố.
Nhưng … không!
Ba Má đang sống những ngày cuối đời lặng lẽ, chung với gia đình con trai thứ năm. Có người chăm sóc từ hội chăm sóc sức khỏe người cao niên đến mỗi ngày, tuy nhiên  không tránh khỏi những lần Ba đi ra ngoài, khi về thì gõ cửa nhầm nhà người khác. Hàng xóm biết, đưa ông cụ về. Có khi lang thang trong khu nhà nhỏ, người quen bắt gặp, đến nhắc chừng  gia đình đưa ông về.

Tất cả những thói quen: Xem TV, đọc sách báo, ngồi kể chuyện xưa chuyện nay… ba đều không tha thiết nữa.

Gần đây, mỗi cuối tuần, nhất là những dịp lễ, Vu Lan, Thanksgiving ông thường ngồi nhìn ra cửa, nhẩm đếm, con trai con gái … đứa nào hay ghé thăm, đứa nào biền biệt … Ông thở ra! Than vắn than dài …”Tại sao mình nhớ con mà tụi hắn không nhớ mình?”
….

Ngược thời gian, trở về quá khứ, phút giây chạnh lòng …

Ba vào tù năm 49 tuổi, ra tù đã là ông cụ 60. Tù đày đã nuốt trọn 11 năm sung mãn nhất đời của một người đàn ông thành đạt như Ba. Trở về với tấm thân ốm yếu bịnh hoạn. Vợ con không còn nhà để ở vì chính sách trưng thu nhà ác độc của nhà cầm quyền đương thời. Những người chịu ơn ba thuở xưa ghé đến thăm, an ủi giúp đỡ mọi mặt; vật chất, tinh thần,… công việc làm ăn. Trong đó có một cô tên là Kim Xuôi, xóm Thuận Thành ĐN ai cũng biết. Cô là y tá, cô mụ đở đẻ. Thời cô còn đi học ở trường y tế Ba đã giúp cô rất nhiều; sau khi cô lập gia đình ba còn cho mượn tiền xây nhà. Nhớ ơn Ba, ngày ba ra tù, biết tin ba bịnh, cô đem lên hộp thuốc Terneurine thời đó trị giá cả 1 chỉ vàng. Mỗi ngày cô đều đến, tự tay cô chích cho ba. Vì cô sợ khi gia đình đang túng quẩn, có thể ba sẽ bán lấy tiền mua gạo chứ không dùng riêng cho bản thân mình.
Sức khỏe hồi phục, Ba trở lại là một người đàn ông cần mẫn, siêng năng, ai thuê ai mướn việc gì cũng làm, không tự ái, không xem cái tôi là to lớn.

Khi tin vui Ba có thể nộp đơn đi xuất cảnh diện HO. do chính sách nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ; ba làm luôn hồ sơ cho hai mẹ con tôi; những người không nằm trong tiêu chuẩn được đi. Ngày phỏng vấn, mẹ con tôi đã trình bày hoàn cảnh gia đình với nhân viên lãnh sự quán Hoa kỳ; được chấp thuận chỉ sau một câu trả lời. Nước mắt rơi lả chả. Khi ba và gia đình được gọi vào. Thấy mẹ con đều khóc, ba tưởng đã bị từ chối nên vổ vai tôi: Đừng buồn, qua đó ba bảo lãnh hai mẹ con sau. Ba tôi lúc nào cũng nghĩ đến con cái trước bản thân mình.

Đúng 5 năm sau ngày định cư, Ba nộp đơn Sở Di Trú xin nhập tịch và ba đã trở thành công dân Hoa Kỳ chỉ sau một lần phỏng vấn.

Tháng ngày trôi qua…

Năm 2009 đứa con gái và một cháu ngoại hội ngộ cùng gia đình.
Tháng 5 năm 2012 vợ chồng  con trai cùng cháu nội đến Hoa kỳ.
Cuối tháng 11, nhằm Lễ Tạ Ơn năm 2013, gia đình con trai lớn 4 người cũng đã đoàn viên.

Ba nói: Ba chết cũng yên lòng!

Có thể nói rất hiếm có gia đình nào sau bao thăng trầm tưởng không thể đứng vững mà cuối cùng đều sum họp tại cùng một tiểu bang. Bảy đứa con của Ba má đều có nhà riêng nơi xứ sở tự do này. Đời sống ổn định, không những thế, còn có cơ hội giúp đở bà con anh em bên vợ, bên chồng nơi quê nhà.

Có biết bao nhiêu người vì tự do cũng có, vì cơm áo cũng nhiều … đã bị tù tội, bị mất mạng sống, bị hải tặc cướp bóc, bị lừa gạt tiền mất tật mang … chỉ mong đi ra khỏi cái xứ “ thiên đường mù” cọng sản. Gần đây còn có rất nhiều em, cháu sinh viên hoàn cảnh gia đình không giàu có, tìm mọi cách du học ở Hoa Kỳ rồi tìm cách ở lại, để có một cái “ thẻ xanh” các em phải đánh đổi biết bao nhiêu thứ, bao nhiêu thời gian? Cả nhà của tôi với chính sách nhân đạo mở cửa, chúng tôi nhờ Hồng Phước Tổ Tiên, may mắn và ý chí của người cha già của mình.

Một người cha rất bình thường như bao nhiêu ngọn Thái sơn khác. Ba vì vận nước không để lại cho đàn con nhà cao cửa rộng hay bằng cấp, quyền cao chức trọng. Lê tấm thân tù đày ra khỏi trại tù là ba chen chân vào xã hội tiếp tục kiếm cơm nuôi con, phụ con chăm lo cho các cháu. Ba kiên cường những ngày đầu định cư để làm chỗ dựa cho đàn con nơi đất khách quê người. Dù đã cao tuổi ba cũng toàn tâm toàn sức, hoàn thành trách nhiệm đưa đàn con và các cháu đến bến bờ tự do an toàn, có được cuộc sống yên ổn, căn bản. Thế gian có mấy người được như Ba?
Đừng trách ba không để gia tài, ruộng vườn cho con cháu. Hãy tự hỏi mình đã làm gì được cho Ba? Nếu nghĩ rằng nước mắt chảy xuôi, hãy tự hỏi mình ở vào hoàn cảnh như Ba, mình có thể làm được gì cho con cái của mình?

Mấy năm trước, có  lần ba đi ra đường rồi đi lạc cả buổi chiều đến tối. Tâm trí ba bắt đầu hoảng loạn. Tai không nghe rõ, mắt mờ… Đó là những chuyển biến của người già, ai cũng vậy. Đừng nghĩ ba giả đò. Gần đây sức khỏe của ba sút giảm trầm trọng. Tuần trước ba ngã té hai lần tiếp. Đưa đi bác sĩ ba cũng không biết tại sao té dập mặt, sưng mắt. Bác sĩ nói lượng đường trong máu quá cao, hai chân ba không tự điều khiển được. Cần có người thân túc trực; ba có thể đi luôn bất cứ lúc nào.
Chúng ta đọc nhiều bài viết, nghe nhiều lời khuyên sự hiếu để đối với cha mẹ. Chúng ta chia xẽ với bạn bè … để làm gì? Chờ ba mất rồi làm mâm cao cổ đầy, chờ ba hấp hối, dây nhợ gắn đầy người để nối liền sự sống …, rồi vào bệnh viện thăm? Cứ nhìn lại mỗi ngày căn nhà mình đang ở, những đứa con xinh đẹp giỏi giang mà mình hãnh diện khoe với bạn bè, và ngay cả sự hiện diện của mình tại đất nước này. Có phải tự nhiên mà được. Cây có cội, nước có nguồn. Đừng nói ba có tiêu chuẩn của chính phủ rồi giao phó cho họ. Đừng đổ lỗi cho đời sống căng thẳng nơi đây. Mỗi tuần chúng ta có vài lần cà phê buổi sáng, dự một vài tiệc tùng, sinh nhật, hội ngộ bạn bè … vậy mà vài phút ghé qua thăm cha mẹ già lại thấy bất tiện. Đừng để một ngày ba nằm xuống rồi mới cảm thấy cảm giác bơ vơ, mất đi một thứ không gì thay thế được .

Năm nay sinh nhật của Ba không bánh không hoa, ba đang ngơ ngác, mắt sưng húp, mặt trầy dập mà vẫn không biết tại sao? Còn đâu một ông ba từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ việc trong nhà đến đại sự nơi xã hội; mọi thứ ba đều quyết định, đều hoàn thành một cách chu đáo.


Đời là vô thường. Ba hay nói vậy, nhưng sao con vẫn thấy đau lòng, Ba ơi.

Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này