Cỏ Thơm

Không phải là một trong những bóng hồng kiêu sa, không phải là loài hoa Sứ, hoa Huệ thơm ngát; cũng chẳng phải là một trong những nhánh Lan rừng xinh đẹp. Chỉ là một loài cỏ thôi, một loài cỏ có hương thơm lan tỏa mà người đời thường gọi là Cỏ thơm. Cỏ thơm còn được ví với một người phụ nữ có tấm lòng đẹp.

Tôi và chị học chung dưới mái trường thời trung học, nhưng chỉ mới biết nhau sau ngày cổng trường khép lại. Có thể nói: Chẳng bao giờ trễ khi chúng ta kết bạn. Chỉ là bạn nhưng tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có chị trong đời. Nhớ Má tôi từng nói: ”Làm bạn bè cũng phải có cái duyên”. Duyên là điều gì đó rất kỳ lạ, không ai có thể thực sự nói rõ về nó. Làm bạn bè có thể hữu duyên, vô tình quen biết mà lại hiểu thấu nhau. Đôi khi đã là đôi bạn lâu dài, hài hòa với nhau, mà không thể gần nhau vì sự vô tâm, vô tình của một trong hai người.

Thật ra, tôi quen với chồng chị trước khi tôi trở thành bạn của chị, khi tôi còn lem luốt ở nhà bếp căng tin bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng. Anh nguyên là bác sĩ Trưởng ty Y tế thành phố Đà Nẵng thời VNCH, sau 1975 anh cũng đi tù nhiều năm như tất cả những người phục vụ cho chế độ trước nhưng lúc anh ra tù, bệnh viện đang cần bác sĩ nên anh được nhận vào làm Bác sĩ ở phòng khám ngoại khoa. Cũng ở môi trường y tế này anh quen biết rồi thành hôn với chị. Đây là mối lương duyên trời định. Khi cưới chị thì vợ chồng anh chị phải cưu mang cả đàn con 5 đứa từ người vợ trước. Anh chị sang Hoa kỳ định cư theo chương trình H.O khoảng đầu thập niên 90 khi anh chị mới có được một cậu con trai lên 2.

Ngày đó Atlanta cũng chưa có nhiều người Việt định cư. Anh làm việc cho Hội Thiện Nguyện chuyên giúp những gia đình Việt Nam mới qua hoàn tất giấy tờ, khám sức khỏe, xin việc làm …chị phải bôn ba nhiều nghề để mưu sinh và nuôi đàn con chung, riêng đang còn nhỏ. Người ta có thể lường được những vất vả khó khăn của ngày đầu ngơ ngác nơi xứ lạ từ văn hóa đến ngôn ngữ tập quán… nhưng chắc chắn rất khó để lường được những rắc rối từ dư luận hay miệng lưỡi thế gian.  Tuy nhiên, thời gian là câu trả lời chính xác nhất. Các con của anh lần lượt tốt nghiệp đại học, ra trường, có việc làm và lập gia đình; riêng cậu con trai út thì luôn là học sinh xuất sắc và rất ngoan hiền, cháu Vũ giống anh như đúc. Tất cả thành công trên của đàn con anh chị, ngoài “gien di truyền” của nguồn gốc gia đình, người ta không thể phủ nhận đó là kết quả công lao chăm sóc từ người phụ nữ trẻ, chấp nhận làm vợ anh, thủy chung từ thuở 28 tuổi cho đến bây giờ, đã 34 năm gừng cay muối mặn cùng anh.

Chị là Phương Thảo; tên ba mẹ đặt cho từ ngày nằm nôi mang ý nghĩa một loài cỏ thơm.

Tôi và chị nay ở chung tiểu bang, gặp nhau hoài, những kỷ niệm khiến tôi cảm tình với chị không biết chị còn nhớ không. Riêng tôi, có một kỷ niệm chẳng quên bao giờ.

Hơn 10 năm trước, có dịp đi dự một buổi Hội ngộ trường xưa tận San Jose – CA, nhóm Atlanta chúng tôi ở chung phòng khách sạn. Có một hôm tôi bị bệnh; cả ngày và tối không ăn được gì. Các chị bạn đi chung và người bạn thân thiết của tôi mãi ham vui với những bạn thân đã lâu không gặp. Người này hẹn họ hàng đến đón đi chơi, người kia có con cháu chở về nhà …tiểu bang California thì thiếu gì nơi để đi. Riêng tôi, nằm bẹp dí trong khách sạn.

Đêm đó nhóm bạn từ các nơi về Cali hội ngộ, sau mục ăn tối thì rủ nhau đi ăn cháo khuya. Chị lôi tôi dậy hối hả.

Tôi mệt nhoài từ chối:

– Thôi, chị đi đi. Em mệt quá!

Chị thay áo quần, sửa soạn cả buổi …  rồi mang giỏ xách, bước ra cửa còn hỏi:

– Uống thuốc chưa? Ăn chi ta mua về.
Tôi không buồn trả lời.

Chừng hơn 30’ sau chị trở về. Tay xách một túi, chị lặng lẽ soạn ra, rồi nói:

– Ăn cháo nghe, ta đem xuống phòng ăn hâm microwave cho nóng, mi ăn đi rồi uống thuốc.

Tôi ngạc nhiên lắm:

– Ủa, chị đi chơi về lẹ vậy?
– Ta không ăn, togo về cho mi thôi.
– Răng rứa, không ngon à?
– Ta không ăn … răng biết ngon!

Tôi nhìn chị, không hiểu gì. Chị cười rất vô tư:

– Ai cũng hiểu, chỉ có mi là … không hiểu.

Rồi chị tiếp:

– Ra ngoài nớ, cũng đông vui lắm, có nhiều chị khoá lớn, mi không biết đâu. Nhà hàng đem cháo ra, ta xin cái hộp to go cho mi trước. Mấy chị nói:

– Ngồi chơi chút đã. Chưa ăn mà sao to go hè?

Ta nói:

– Con T bệnh, nằm xẹp lép ở hotel, em đem về cho nó. Rứa là ta trả tiền rồi về đây. Mi ăn đi rồi uống thuốc, qua Cali mà bệnh làm răng đi chơi.

Đón tô cháo trên tay chị mà lòng tôi rưng rưng. Chị khiến tôi ngạc nhiên và cảm động lắm. Cái tình, cái tâm của một người chị thân thiết, tỉ mỉ dễ thương đến thế là cùng!

Càng ngày, cộng đồng Việt Nam ở Atlanta ngày càng lớn mạnh, đông đúc, chị tham gia sinh hoạt Chùa, hội Đồng hương và nhiều hội đoàn khác. Chị rất khéo tay, cuối tuần chị có thêm nghề làm bánh, làm nem, đủ loại. Món bánh ú bánh tét của chị hiện nay trở thành thương hiệu độc đáo không ai sánh bằng. Mọi người thường biết chị với hình ảnh một phụ nữ mạnh mẽ, nhanh nhẹn, tháo vát; miệng nói tay làm. Chị là người có khả năng trời ban cho về việc tập trung tư tưởng, có ý thức rèn luyện mình sống theo khuôn khổ, có ý chí và khát vọng làm nên việc lớn. Đối với chị, khi làm việc gì dù là trò chơi giải trí, chị không bao giờ muốn nhận thất bại về mình. Không thắng thì cũng phải kết quả hòa. Chị làm việc gì cũng dốc toàn tâm cuồng nhiệt. Từ những đam mê nhẹ nhàng như may vá, thêu đan hay trồng hoa, trồng rau chị cũng nhất định phải chăm chút tỉ mỉ như nuôi con. Vườn nhà chị tuy nhỏ nhưng rất xinh, có cả một hồ sen nhỏ mùa hạ nào cũng vươn ngọn với những búp sen hồng tinh khiết, rất hiếm hoi thấy ở xứ này.

Ngoài công việc ngày 8 tiếng ở Sở Y Tế địa phương, với trách nhiệm làm hồ sơ ở trung tâm cấp phát những tiêu chuẩn cho các Bà Mẹ và trẻ con, chị thường hay giúp đỡ đồng hương, người quen và những trường hợp thương tâm khác. Anh nay đã nghỉ hưu, cuối tuần, anh phụ chị nhận làm các loại thức ăn cho những bữa tiệc gia đình. Chị là người biết tính toán, vậy mà có khi cũng rất “chịu chơi, xả láng”. Có lần khi đi chợ, tôi gặp chị ở sân đậu xe. Vừa mở cửa xe chị vừa hỏi:

– Nè, ta gói bánh cho họ, còn mấy cái bánh ú đây, mi lấy dùm hỉ?

– Thôi, cuối tuần em đi đám cưới xa rồi, không có dịp ăn ở nhà đâu.

– Rứa hả, thôi ta gởi biếu ông ba nè.

Vừa đưa bánh ú cho tôi xong, chị tiếp:

– À, còn dĩa bánh ướt đây, mi đem về cho ba má luôn. Bả thích lắm đó. Tặng luôn, không buôn bán chi hết.

Mỗi khi nhớ lại chuyện này tôi cười hoài cho cái tính tào lao của chị.

Phương Thảo là người thích kết giao bạn bè và rất thẳng thắn. Chính cái thẳng thắn đó đôi khi dể làm mất lòng người mới quen biết. Theo tôi thì chị là kết hợp hài hoà giữa hai dòng máu Huế-Quảng. Vì quê cha là đất thần kinh, mà lại được sanh ra tại xứ Quảng Nam quê mẹ nên chị có cái khéo léo tỉ mỉ của cô gái Huế; trong một cá tính bộc trực, chuyện gì cũng cãi cho được, nhất là không bao giờ có thể lặng im trước những bất công, chướng tai gai mắt.

Chơi thân với chị, cùng đi du lịch, cùng làm công tác xã hội … tôi biết chị còn là người đảm đang “quá mức”, chuyện gì cũng muốn vươn vai gánh vác; người hiểu chuyện thì chia sẻ với chị; kẻ không hiểu thì cho rằng chị ôm đồm làm trễ nải việc chung. Tuy cá tính khá ồn ào, nhưng bên trong chị là người không cố chấp, biết sửa đổi, chị sẵn sàng mở lời xin lỗi khi có ai góp ý; đó là một tính cách rất hay, rất đáng học hỏi.

Đã sanh ra làm người thì không ai hoàn hảo, không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Tôi không phải “khi thương trái ấu cũng tròn” mà nói những lời “có cánh” về chị. Chị vẫn có khuyết điểm lẫn ưu điểm như bao người khác, điều quan trọng là giữa xã hội đầy thị phi, chị có một cái tâm hướng thiện và một tấm lòng vị tha, buông bỏ.

Hơn ba mươi năm chung sống cùng anh, nay anh chị cuối tuần vẫn bên nhau, đến tham dự những sinh hoạt Hội Đoàn, nhóm đồng hương … nét trẻ trung sinh động của chị đã khiến anh thêm năng lượng dồi dào. Từ đôi bàn tay trắng đến xứ lạ quê người chị đảm đang gánh vác một gia đình, con chung con riêng đều thành công và đã yên bề gia thất. Chị mở lòng giúp đỡ gia đình bên quê nhà thời còn khó khăn. Chị còn siêng năng tham gia những hoạt động cộng đồng, góp phần nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy truyền thống của người Việt Nam nơi hải ngoại. Cụ thể nhất là dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất vừa qua, chị tham gia cuộc thi gói bánh chưng bánh tét do Cộng Đồng Người Việt GA tổ chức. Đạt giải nhất; chị gởi lại số hiện kim hai trăm đô nhận được để tặng các cháu học sinh giỏi. Một cử chỉ đẹp thay cho bao nhiêu lời nói hay về chị.

Người ta thường ví phụ nữ như cánh hoa, chị không phải là hoa hồng hoa lan, Phương Thảo là người phụ nữ có tấm lòng đẹp, chị là Cỏ Thơm.

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này