Tấm Gương Soi

Mùa thu đang về, đêm qua, một cơn bão rớt ngang thành phố, mưa rơi nhẹ hạt nhưng gió thật mạnh, những cánh lá đang chuyển màu bay tả tơi.
Chợt…”nghĩ về cuộc đời, khi tôi không còn nữa…sẽ lấy được những gì, về bên kia thế giới…?” Nghĩ đến ba má, tuổi già, rồi nghĩ đến bạn bè. Tâm hồn mênh mang, nhớ lại một vài hình ảnh trong kỷ niệm.
                                                                       *
                                                                      * *
Đã từng nghe nói nhiều về Hội Ngộ Liên Trường Quảng Đà, nhưng lần đầu tiên tôi tham dự là năm 2005; tổ chức ở Houston TX. Vui thiệt, rất cảm động khi tìm lại được những cảm giác ngày còn đi học.

Vẫn mang theo cái háo hức như lần trước, hai năm sau 2007, tôi đến với Hội Ngộ Liên Trường QNĐN tổ chức tại Sana Ana, CA. Nhóm Atlanta kỳ đó đi cũng đông, vui. Chúng tôi có niềm vui chung của nhóm chứ ở đêm Hội Ngộ và Tiền đại hội thì không vui mấy.
Tổ chức ở Cali bao giờ số người tham dự cũng đông đảo, tuy nhiên chúng tôi bước vào hội trường của khách sạn Marriott với nhiều bở ngở. Vì không tìm thấy ai quen biết ngoài nhóm cựu nữ sinh NTH Hồng Đức, ĐN nên chúng tôi cứ lẩn quẩn rủ nhau chụp ảnh lưu niệm; những tà áo dài đủ màu, đủ kiểu có dịp đem ra khoe. Năm đó tôi mặc áo dài màu xanh nhạt, hội trường đông nghẹt. Các cựu học sinh Phan Châu Trinh đa số là các anh tốt nghiệp trung học trước 1975, khá là cao niên nên tôi cũng không tìm ra một khuôn mặt nào quen thuộc. Chụp ảnh đã ngán, tôi đi vòng vòng tìm người quen. Anh Chính năm đó là trưởng BTC ngoắc tôi:

– Em lại đây, có Thầy cô muốn tìm một cô NTH Hồng Đức nè, em giúp giùm anh đi (chắc anh không ngờ là đã nhờ đúng “đương sự “).
Nhìn theo hướng tay anh chỉ, tôi thấy một đôi “uyên ương” không còn trẻ nhưng nắm tay nhau rất âu yếm.

Tôi reo lên:

– Thưa Thầy, thưa cô

Đôi uyên ương nhìn tôi không chút ngạc nhiên; vì ở đó ai cũng chào hai vị như thế . Đó là Thầy Nguyễn Đăng Ngọc đi cùng Cô.
Lòng tôi vui hớn hở, một cách thật tự nhiên tôi bước đến nắm tay Cô; người phụ nữ nhỏ nhắn, nét mặt thanh tao, dịu dàng.
Tôi lăng xăng kiếm chổ cho hai vị ngồi thì Thầy đã khoát tay:

– Thầy chỉ đến chút xíu rồi đi liền.
– Tôi ngạc nhiên:
– Dạ, ai chở Thầy đến?

Thật lòng tôi cứ mong đó là con gái Thầy; cũng là bạn tôi. Vì cô này rất nghịch ngợm, cứ thích làm những điều khiến người ta ngạc nhiên. Tôi cứ chăm chăm nhìn ra cửa. Thầy rút trong túi cái phong bì; đưa cho tôi Thầy nói:

– Cho Thầy gởi bì thư ni cho ban tổ chức. Con thầy chở tới đây rồi đón Thầy cô đi liền nên xin cáo lỗi với các em.

Tôi đón phong bì trên tay Thầy Ngọc , bối rối không biết nói gì để cầm chân Thầy cô ở lại. Tôi lí nhí:
– Dạ
– Chuyển dùm Thầy cô nghe!
– Dạ em cám ơn Thầy Cô …

Thế là đôi uyên ương tóc bạc vẫn nắm tay nhau, len giữa đám học sinh tóc không còn xanh… bước ra cửa, tôi nhanh nhẹn đưa máy ảnh lên … chộp được một kiểu hình.
Tôi chưa kịp nhờ ai đó chộp cho tôi một tấm chung với Thầy Cô để khoe với bạn thì Thầy Cô đã hoà trong đám đông …mất tiêu!

Đại hội kỳ đó có Thầy Hoàng Bích Sơn từ Việt Nam sang dự, tôi nhớ mãi nỗi xúc động khi Thầy được xướng danh lên sân khấu để đánh nhịp điều khiển màn hợp ca Phan Châu Trinh hành khúc do chính Thầy sáng tác. Thầy Hoàng Bích Sơn vóc dáng nhỏ bé đã rưng rưng cảm động, thấy thương làm sao!

                                                                       *
                                                                      * *

Năm 2014 tôi có dịp đi San Jose rồi bay xuống San Diego chơi nhưng mãi vi vu, tíu tít với bạn nên tôi đã không kịp ghé qua nhà thăm Thầy Cô, nghĩ lại mà tiếc mãi. Tấm hình trong tập ảnh Hội ngộ Liên Trường QNĐN 2007 được tôi in ra và lưu lại như kỷ niệm một lần tôi gặp Thầy Cô, cũng là song thân của nhỏ bạn thân.

Mới đó mà đã hơn mười năm trôi qua, Thầy Cô cũng như Ba Má tôi nay đã già yếu. Vừa già vừa yếu đúng nghĩa. Thầy cứ phải thường xuyên ra vào bệnh viện. Tôi và nhỏ bạn vẫn thường liên lạc nhau, bạn gọi cho tôi thường xuyên… kể chuyện trong bệnh viện. Mỗi khi bạn gọi mà tôi không kịp cầm máy là tôi nhanh chóng gọi lại; lòng cứ thấp thỏm …. người già như ngọn đèn trước gió, hắt hiu…

Nhớ lúc trước, mỗi năm tôi làm đặc san Sông Thu số Xuân cho hội Quảng Nam ở Georgia; tôi thường gởi biếu Thầy Cô một cuốn gọi là quà Tết. Tôi không biết là sẽ còn bao nhiêu kỳ Đặc San Sông Thu được gởi đến Thầy.

Kỳ này tôi xin bài “Mùa Xuân Tuổi Già và Tuổi Trẻ” rất hay do chính Thầy viết cách đây đã lâu, để đăng tải lên Đặc San Xuân 2019 sắp đến; xem như lưu lại một tinh hoa của nền văn học Việt Nam tại hải ngoại.
Thầy bây giờ … Bệnh viện là nhà, nghe bạn kể Thầy vẫn còn tỉnh táo, hiểu biết, rất chịu khó nghe lời khi con cái cho uống thuốc hay bắt tập nhữnng động tác thể dục nhẹ…vì không muốn con cháu buồn. Tuy nhiên đôi khi trí nảo chợt thoáng nhớ về những ngày khốn đốn sau 1975 nên phát biểu nhiều câu … thật bất ngờ. Bạn kể tôi nghe, hai đứa cùng cười ra nước mắt.
Tôi đọc lại bài của Thầy viết và nghiệm ra nhân sinh quan của Thầy rất chí lý:
“Tuổi già nên nhớ là mình có lúc trẻ và tuổi trẻ nên biết là mình sẽ già”

                                                                       *
                                                                      * *

“ Xin đừng hốt hoảng khi thấy mình già để buông xuôi hay sống vội. Đã không ngăn chặn được cái già thì hốt hoảng để làm gì? Chán nản buông xuôi càng chóng già; sống vội chẳng được thêm bao nhiêu. Hãy an nhiên tự tại, bình thường làm điều đáng làm trong tầm vóc sức lực của mình. Quảng đại, cởi mở, khiêm tốn, chia sẽ theo suy nghĩ nông cạn và riêng tư của tôi là cách sống xuân; không lệ thuộc mùa xuân đến hay mùa xuân qua!”

Tuyệt vời thật, tôi được biết đại đa số các vị cao niên đều mang trong mình nhiều chứng bệnh nan y nhưng người nào có tâm hồn phóng khoáng, biết buông xả và ý chí cầu sanh mạnh mẽ thì chống chọi được với những cơn đau thể xác và tâm hồn cũng … vui lây. Nhất là những người càng trải qua gian lao, thử thách, hay ốm đau, nhất là bạo bệnh, thì càng nghiệm ra điều này rất sáng suốt. Thấy những điều nhỏ nhặt cũng quan trọng mà những điều to lớn cũng bình thường. Thấy niềm vui, nỗi buồn cũng là hai mặt của chiếc lá; một cơn gió nhẹ là xoay măt này sang mặt kia ngay. Thấy nhiều căng thẳng trước kia hóa ra buồn cười. Thấy việc từ bỏ và dấn thân cũng dễ dàng như nhau nhưng việc thay đổi một thói quen nhỏ cũng phải cần rất nhiều nỗ lực.Và quan trọng nhất, thấy yêu thương như nguồn nước vô tận càng khơi nguồn càng thăm thẳm như không đáy, và tuôn trào bất tận.

Thầy Ngọc là một trong những tấm gương sáng cho hậu thế mà tôi hằng ngưỡng mộ. Và trong tận cùng sâu thẳm của trái tim, tôi luôn cầu mong cho Thầy có những ngày cuối đời nhẹ nhàng thanh thản như quan niệm sống đầy bao dung, lạc quan của Thầy.
Mến chúc bạn tôi có đủ năng lực để những ngày quấn quýt bên thân phụ có buồn có vui, nhưng mãi mãi là hình ảnh không phai mờ, dẫu năm tháng sẽ qua đi, vĩnh viễn. Cho dù biết rằng…”Đời người như chiếc lá, nằm trong cơn gió…vô tình!”

Kính tặng Thầy Nguyễn Đăng Ngọc

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta tháng 10 năm 2018

Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này